Hiện nay, việc phân cấp hành chính ở nước ta bao gồm hai cấp là Trung ương và Địa phương. Trong đó ở Địa phương được chia thành 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có mối quan hệ trực thuộc từ trên xuống dưới. Mỗi cấp đều có hai cơ quan đại diện nhà nước chính là Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Mỗi cơ quan lại được quy định một cách cụ thể và rõ ràng về chức năng và nhiệm vụ riêng, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Cấp xã là một đơn vị hành chính nhà nước cấp thấp nhất ở địa phương, bao gồm các tên gọi là xã, phường hoặc thị trấn. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, là cơ quan hành chính nhà nước thuộc nhánh quyền lực hành pháp tại địa phương, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
1. Cơ cấu của UBND cấp xã
- Cơ cấu của Ủy ban nhân dân cấp xã bao gồm khoảng từ 3 đến 5 thành viên. Trong đó, đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, một hoặc hai Phó Chủ tịch và các ủy viên (các ủy viên này thường là Trưởng Công an xã và chỉ huy trưởng Quân sự).
- Ủy ban nhân dân cấp xã còn có bộ máy các chức danh giúp việc bao gồm: Văn phòng- Thống kê, Văn hóa - Xã hội, Địa chính, Xây dựng và Môi trường, Tư pháp – Hộ tịch, Quân sự, Kế toán, Công an.
- Ủy ban nhân dân xã hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của tập thể. Bên cạnh đó cũng đề cao trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của ủy ban nhân dân xã. Mỗi thành viên sẽ chịu trách nhiệm về từng chức năng và nhiệm vụ mà mình được giao.
2. Chức năng của UBND cấp xã
Chức năng chính của Ủy ban nhân dân cấp xã đó là quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn xã trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng theo các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và theo sự phân công chỉ đạo thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần trong sáng, vững mạnh cho người dân. Bao gồm:
- Tổ chức và hướng dẫn cho nhân dân, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội trên địa bàn thực hiện tốt các chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn và phát triển kinh tế địa phương, nắm bắt rõ các tâm tư, nguyện vọng của người dân để nhanh chóng giải quyết hoặc phản ánh lên cấp trên.
- Kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước tại các cơ quan, tổ chức ở Địa phương
- Tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch về kinh tế xã hội và kế hoạch ngân sách xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao hằng năm. Xây dựng dự toán ngân sách năm sau trình UBND huyện phê duyệt.
3. Nhiệm vụ của UBND cấp xã
- Xây dựng và trình HĐND xã quyết định một số nội dung thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND xã, tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND xã.
- Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương trên cơ sở số ngân sách đã được phê duyệt.
- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao phó.
4. Bộ máy tổ chức của UBND xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương
Gồm: 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 02 Ủy viên UBND xã.
- Chủ tịch UBND xã:
+ Ông Nguyễn Đăng Xuân – Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.
- Phó Chủ tịch UBND xã:
+ Ông Trương Phúc Thực – ĐUV, Phó Chủ tịch UBND xã.
- Ủy viên UBND xã:
+ Ông Lê Minh Hợp – Chỉ huy trưởng Quân sự xã - Ủy viên UBND xã.
+ Ông Đỗ Bình Linh – ĐUV, Trưởng Công an xã - Ủy viên UBND xã.
- Công chức cấp xã:
+ Bà Nguyễn Thị Thúy: Công chức Văn phòng - Thống kê.
+ Ông Nguyễn Đình Lưỡng: Công chức Văn phòng - Thống kê.
+ Ông Nguyễn Đình Thuật: Công chức Văn hóa - Xã hội.
+ Bà Lê Thị Tiến Tâm: Công chức Văn hóa - Xã hội.
+ Ông Lê Văn Duy: Công chức Địa chính, Xây dựng, Nông nghiệp, Môi trường.
+ Ông Nguyễn Đình Chính: Công chức Địa chính, Xây dựng, Nông nghiệp, Môi trường.
+ Bà Lưu Thị Hằng: Công chức Tư pháp- Hộ tịch.
+ Bà Nguyễn Thị Thúy: Công chức Kế toán, Ngân sách.